Đề thi tuyển chọn học sinh giỏi môn Văn của thành phố Hải Phòng, năm học 2013-2014, vừa diễn ra vào ngày 8/10 gây nhiều tranh cãi trong dư luận khi nhắc đến 2 người đẹp scandal Ngọc Trinh và Bà Tưng.
Theo đó, trong bài nghị luận xã hội có câu: "Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền"."
Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ.”
Những tranh cãi gây sốc cộng đồng mạng của bà Tưng và Ngọc Trinh
Đề thi HSG Văn gây xôn xao dư luận
Ngay khi đề thi được công khai trên mạng xã hội đã có khá nhiều ý kiến khác nhau về chuyện này. Phần lớn tỏ ra hoang mang khi 2 "cô gái vật chất" trở thành đề tài làm văn cho học sinh.
Anh Thái Ca, một cây bút chuyên viết về các nhóm nhảy tỏ vẻ băn khoăn: "Người ta đang bàn tán về cái đề thi Học sinh giỏi Văn ở Hải Phòng liên quan đến bà Tưng, Ngọc Trinh rồi tiến bộ xã hội, nên mình cũng xin bu bám có vài cái nhận xét thế này:

1.Người ra đề liệu có thể nắm rõ được cái đề mình ra hay chưa? Mạo muội xin hỏi liệu tác giả của đề văn đã nhìn thấu được hết về bà Tưng, Ngọc Trinh chưa hay chỉ mới nhìn cái mà người ta hay nhìn thôi???

2.Có bao nhiêu người chấm có thể thấu tình đạt lý để chấm bài cho học sinh?

3.Nói thẳng thắn thì cái đề này người lớn, thậm chí người làm trong chuyên ngành lý luận viết lách thấy cũng "vãi chưởng" chứ đừng nói gì bắt con nít 17-18 tuổi để làm.

4.Đề thi này có khi vô tình PR cho bà Tưng, Ngọc Trinh phủ sóng rộng hơn nữa".


Những tranh cãi gây sốc cộng đồng mạng của bà Tưng và Ngọc Trinh
Chia sẻ của một độc giả
Cùng bày tỏ thái độ băn khoăn giống anh Thái Ca, chị Hoàng Mai có con học lớp 11 chia sẻ: "Đã là văn học, nên có tính nhân văn và văn phong, quan tâm đến các lĩnh vực xã hội cũng tốt nhưng không có nghĩa là quan tâm tới những hình ảnh không đẹp như thế. Tôi rất băn khoăn vì sao hai cô gái này lại được đưa vào đề thi học sinh giỏi, liệu như thế có thiết thực hay không?
Những tranh cãi gây sốc cộng đồng mạng của bà Tưng và Ngọc Trinh
Phát ngôn "kinh điển" của Ngọc Trinh được chế rất nhiều
Vì sao những anh hùng lịch sử Việt Nam lại không được đưa vào đề thi? Hay sự kiện em Nguyễn Văn Nam - nam sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương I (Nghệ An) qua đời khi dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát khỏi chết đuối trên dòng sông Lam vào chiều ngày 30/4 đã thành đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn cũng không có gì phải bàn cãi. Đó mới là những tấm gương sáng hay lĩnh vực cần được đề cao hơn những cô gái tính toán vật chất kia. Tôi không muốn con gái mình giống như các cô ấy".
Tuy nhiên, cũng có những cái nhìn thoáng hơn đến từ các bạn trẻ. Chẳng hạn Phan Trung Tiến, học sinh lớp 12, Hà Nội  tỏ thái độ thích thú với đề thi này: "Mình cho là đề Văn hay, gợi sự sáng tạo. Còn phân tích những tác phẩm cũ hầu như chỉ viết theo lối văn đã được các nhà phân tích tác phẩm viết trước đó thì không có gì đặc biệt.
Những tranh cãi gây sốc cộng đồng mạng của bà Tưng và Ngọc Trinh
Bà Tưng cũng là một trong những nhân vật có phát ngôn gây sốc
Nếu cho đây là hai nhân vật được đánh giá mang ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ thì phải để giới trẻ tự nhận xét và nói lên quan điểm về họ, đó cũng là một cách giáo dục rất tốt. Mình thích những vấn đề liên quan đến thực tế như thế này".
Linh Anh đồng tình: "Chỉ mong đi thi có những đề bài như thế này. Sát với thực tế, được nêu lên những suy nghĩ thật của mình. Chứ kiểu như phân tích tác phẩm nào đấy thì toàn được cô giáo phân tích trước ở lớp. Thuộc thì làm được bài, không thuộc thì chắc bó tay. Nói chung, là mong bộ giáo dục nên ra những đề mở, đúng tính chất nghị luận xã hội và phải tạo cho thí sinh cảm giác bất ngờ lẫn hứng thú khi làm bài".
Tiến Trần (Báo Đất Việt)